Có lẽ ít người để ý tới mối liên hệ giữa hai câu chuyện đều đang rất nóng, đó là vụ chìm tàu tại Đà Nẵng và việc Chính phủ quyết liệt đốc thúc xây dựng các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh

Câu chuyện chìm tàu du lịch không phải mới mẻ. Nhiều người vẫn còn nhớ vụ chìm tàu tại biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) hồi tháng 8/2013 làm 9 người tử vong, vụ chìm nhà hàng Dìn Ký trên sông Sài Gòn tháng 5/2011 làm 15 người tử vong, vụ chìm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long hồi tháng 2/2011 làm 12 người chết…
Trên thực tế, kinh doanh tàu vận chuyển du khách khá phổ biến tại Việt Nam. Riêng trên sông Hàn của Đà Nẵng, tính đến tháng 6, Sở Giao thông vận tải đã cấp phép hoạt động cho 27 tàu. Tại Hạ Long, nơi tập trung lớn số lượng tàu chở khách du lịch, cuối năm 2015, đã có tới hơn 500 tàu.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, các quy định về hoạt động của các tàu này, như về mặc áo phao, về đảm bảo an toàn nói chung là khá đầy đủ. Ông cũng khẳng định thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiên quyết yêu cầu các chủ phương tiện, các đơn vị kinh doanh vận tải đường thuỷ phải đảm bảo đúng quy định về an ninh, an toàn.
Vấn đề là tại sao những vụ tai nạn hết sức đáng tiếc như vậy vẫn xảy ra, dù quy định đã khá đầy đủ và dù sau các vụ tai nạn, các cơ quan chức năng đều khẳng định sẽ siết chặt quản lý loại hình này? Mới nhất, sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2, các cơ quan chức năng đã tiến hành tổng kiểm tra tại một loạt địa phương phía Nam. Riêng tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu ngừng cấp phép hoạt động cho các tàu du lịch được cải hoán từ tàu cá của ngư dân. Đối với các trường hợp đã cấp phép, sẽ rà soát lại thiết kế, thi công, bố trí chỗ ngồi, cung cấp phao và phương tiện cứu hộ trên tàu…
Không thể phủ nhận rằng, gây ra những vụ tai nạn này có phần nguyên nhân từ những du khách chủ quan hay thiếu ý thức, của những chủ tàu thiếu chuyên nghiệp và thiếu cả trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có lý do từ phía quản lý nhà nước, trước tiên là về tinh thần trách nhiệm và sau đó, về cách thức quản lý. 
Cũng như nhiều lĩnh vực kinh doanh có điều kiện khác, các điều kiện kinh doanh tàu vận chuyển du khách còn không ít bất cập. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, thành viên tổ công tác của Bộ KHĐT rà soát các điều kiện kinh doanh, từng đặt vấn đề: Tại sao có rất nhiều điều kiện, nhưng các vụ việc đáng tiếc về an toàn thực phẩm, về tai nạn giao thông… vẫn cứ liên tiếp xảy ra?
Đây có lẽ là lý do mà ngay sau khi vụ tai nạn tàu Thảo Vân 2 xảy ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy định pháp luật có liên quan đến kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy, tập trung vào lĩnh vực vận tải hành khách du lịch thủy nội địa.
Nhìn rộng hơn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo trong việc xây dựng các dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, đồng thời nhấn mạnh phải cải cách, nâng cao chất lượng các quy định này. Mới nhất, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 7/6 đã chỉ rõ phải “kiên quyết cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý, quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm”…
Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu  cẩu phải “cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm”. Một định hướng khác của quản lý nhà nước được Chính phủ nhấn mạnh tại Nghị quyết này, là thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, nghĩa là tăng cường kiểm tra với những doanh nghiệp vi phạm nhiều và ít kiểm tra, thậm chí không kiểm tra với những doanh nghiệp không vi phạm…
Phải nói thêm rằng những yêu cầu cải cách này không chỉ hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, chuyển sang hậu kiểm và quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro là giải pháp để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh nguồn lực có hạn, khi các cơ quan công quyền không thể có đủ nguồn lực để kiểm tra, giám sát tất cả mọi đối tượng quản lý.
Quay trở lại với vụ tàu Thảo Vân 2. Có thể thấy, nhìn chung yêu cầu cải cách nói trên của Chính phủ chưa được thực thi mạnh mẽ. Nếu việc hậu kiểm được thực thi nghiêm túc thì sẽ không có chuyện tàu Thảo Vân 2 dù không được phép lưu hành khai thác du lịch vẫn có thể đón khách thường xuyên như vậy.
Các cơ quan chức năng đang đứng trước bài toán khó để làm sao vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, lại vừa tạo thuận lợi, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng Chính phủ đã xác định rất rõ đường hướng, giải pháp cho vấn đề này. Vấn đề không chỉ là siết chặt, mà quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy và phương thức quản lý. Còn cần nhiều giải pháp đồng bộ khác mà đặc biệt là tăng cường trách nhiệm công vụ, nhưng chắc chắn là chỉ khi nào yêu cầu cải cách của Chính phủ được thực thi triệt để, thì mới đáp ứng được mục tiêu kép nói trên và những vụ tai nạn đáng tiếc sẽ khó xảy ra.

Hà Chính
Theo chinhphu.vn


Tin đã đăng

    Tin liên quan

      Top